Dưới đây là những lỗi thường thấy ở sinh viên mới ra trường, khi bắt đầu bước chân vào một môi trường mới. Hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bạn tránh được những lỗi không nên mắc phải và tìm được công việc thật sự phù hợp với mình.
1. Bản lý lịch quá dài/ quá ngắn
Sinh viên mới ra trường thường không có nhiều kinh nghiệm khi viết hồ sơ xin việc (CV). Họ thường cố gắng đưa vào thật nhiều thông tin nhằm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, số khác lại không biết trình bày như thế nào vì kinh nghiệm có hạn nên CV chỉ vỏn vẹn đôi ba dòng giới thiệu sơ sài. Nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 6s để nhìn qua CV của ứng viên nên CV quá dài/ quá ngắn sẽ không được đánh giá cao, họ sẽ nhận xét bạn không biết cách trình bày. Thông thường thì một CV được xem là tiêu chuẩn khi nội dung được tóm gọn trong vòng 1 trang.
2. Liệt kê quá nhiều
Nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến kinh nghiệm hoặc những kỹ năng bạn có để đáp ứng yêu cầu công việc mà họ đề ra chứ họ không muốn đọc một bản sớ dài với hàng tá các khóa học mà bạn đã hoàn thành khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiển nhiên là sinh viên mới ra trường rất thiếu kinh nghiệm nên bạn thường đưa tất tần tật mọi thứ vào CV, tuy nhiên điều này vô tình tạo ra khoảng cách giữa bạn với công ty bạn đang ứng tuyển, cũng có nghĩa bạn đang đánh mất cơ hội của mình.
3. Không chứng tỏ được mình phù hợp với công việc như thế nào
Sinh viên mới ra trường thường hay sa đà vào việc liệt kê hàng loạt kỹ năng, kinh nghiệm làm việc (thậm chí là những công việc part-time không liên quan đến vị trí ứng tuyển) nhưng lại không biết cách diễn giải rằng những yếu tố này phù hợp với công việc như thế nào. Đừng trình bày theo kiểu sách vở như những thứ bạn được học ở trường, có thể nó không phù hợp. Hãy tìm hiểu những bài viết tư vấn về cách viết CV và những minh họa cụ thể, sau đó diễn đạt lại theo cách của bạn, việc sao chép y như bản chính là điều tuyệt đối không nên làm.
4. Không tìm hiểu từ những người xung quanh
Bạn bè và người thân của bạn có thể có những thông tin nghề nghiệp mà bạn không biết, đừng quên tận dụng điều này. Nhiều người thường cảm thấy ngại và xấu hổ, không muốn nhờ cậy người khác tìm kiếm công việc cho mình mà họ không biết rằng tìm việc thông qua các mối quan hệ là một chuyện hết sức bình thường nhưng lại rất hiệu quả. Những người quen biết bạn sẽ là những người tiến cử bạn với công ty mà bạn đang muốn ứng tuyển hoặc mang lại những cơ hội quý giá khác cho bạn.
5. Không hiểu rõ khả năng của bản thân
Hầu hết người trẻ đều không thể nhìn nhận và đánh giá đúng trình độ năng lực của bản thân dẫn đến việc không biết công việc gì sẽ phù hợp với mình, chật vật với hành trình tìm kiếm, hết làm công việc này lại quay sang làm công việc khác. Tôi có một lời khuyên cho bạn là bạn nên nhờ thầy cô thân thiết, những người trực tiếp hướng dẫn bạn. Vì họ đã từng giảng dạy cho bạn nên họ biết được tính cách, ưu và khuyết điểm của bạn. Làm trong ngành giáo dục nên họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá con người, họ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích. Nếu không thì bạn cũng có thể nghe chia sẻ của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn muốn ứng tuyển, bạn sẽ biết được thật sự bạn đang ở đâu.
6. Tìm kiếm công việc trong mơ
Ai chẳng mơ về ngày mình có thể ngồi làm việc tại một văn phòng sang trọng, làm công việc mà mình ước mơ từ thuở còn cắp sách đến trường. Tuy nhiên, là một sinh viên mới ra trường, bạn không thể nào có đủ kinh nghiệm để làm công việc mà bạn mơ ước, việc cố gắng chạy theo công việc đó khiến bạn mất đi nhiều cơ hội khác. Và bạn có chắc công việc đó sẽ thật sự “trong mơ” như bạn nghĩ? Đôi khi công việc bạn làm khiến bạn yêu thích nhưng bạn gặp phải một vị sếp “ác”, đồng nghiệp của bạn lúc nào cũng ganh đua, không thân thiện, liệu bạn có muốn tiếp tục nữa không? Thay vì mong chờ công việc trong mơ sẽ đến, hãy thử bắt đầu với những công việc khiến bạn hài lòng và vui vẻ.
0 Komentar